Mochibeanbag

Những biểu tượng đặc trưng của đất nước Nhật Bản

NGUYỄN THỊ THUỲ Wednesday, September, 2021

Đất nước Nhật Bản từ lâu đã được biết tới với sự đa dạng văn hóa, những nét đẹp truyền thống, tinh thần võ sĩ đạo không bao giờ khuất phục... Ngoài ra đây còn là điểm đến du lịch mơ ước rất nhiều người, cảnh vật nên thơ, con người hòa nhã, ẩm thực phong phú, giao thông thuận tiện. Có rất nhiều thứ chỉ cần nhắc tên sẽ gợi nhớ đến ngay đất nước này. Hãy cùng điểm qua những nét đặc trưng này.

1. Hoa anh đào

Chắc hẳn một trong chúng ta đều đã từng một lần ngân nga câu hát "Mùa xuân sang có hoa anh đào..." mà đôi khi cũng tự hỏi không biết từ đâu mà biết câu hát này. Câu hát nằm trong bài hát "Mùa hoa anh đào" của một nhạc sĩ Việt Nam viết tặng vợ mình vì vợ ông có nét đẹp như một cô gái Nhật Bản, ông ví von như vẻ đẹp của hoa anh đào. Hoa anh đào là quốc hoa của Nhật Bản, hoa được trồng ở khắp nơi như bên đường, ven sông, ven bờ kênh, công viên, trong vườn nhà...Mùa hoa anh đào là mùa xuân, hoa nở rực rỡ, khắp nơi trên đất nước có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh cánh anh đào hồng phấn bay bay trong gió vô cùng đẹp. Đây cũng là một trong những điểm thu hút du lịch của Nhật Bản, hàng năm du khách nước ngoài đều "săn" hoa anh đào nở, tranh thủ đến thăm đất nước nhỏ xinh vùng Đông Bắc Á này.

(ảnh nguồn internet)

2. Núi Phú Sĩ

Có thể bạn không biết ngọn núi nào cao nhất Nhật Bản nhưng chắc chắn bạn biêt núi Phú Sĩ là ngọn núi lửa nổi tiếng nhất Nhật Bản rồi. Núi Phú Sĩ là ngọn núi lửa đã tắt, có hình tam giác rất gọn mắt, nhìn từ xa có thể thấy trên đỉnh núi có phủ tuyết trắng. Núi Phú Sĩ hùng vĩ vào mùa hè và lặng lẽ vào mùa đông. Vẻ đẹp của núi đã đi vào thơ văn của bao bậc thi nhân. Nếu để chọn một hình ảnh đặc trưng của đất nước Nhật Bản, rất nhiều người sẽ lựa chọn hình ảnh núi Phú Sĩ oai hùng.

(ảnh nguồn internet)

3. Kimono

Nổi tiếng như áo dài Việt Nam, áo sườn xám Trung Quốc hay hanbok của Hàn Quốc, Kinomo được biết đến là Quốc phục của Nhật Bản. Kimono rực rỡ sắc màu còn được xem như một tác phẩm nghệ thuật. Thời phong kiến, Kimono được người Nhật mặc như trang phục thường ngày, hiện nay Kinomo được mặc vào các dịp lễ quan trọng của người Nhật Bản. Kimono của nữ giới phổ biến hơn nam giới, màu sắc và hoa văn cũng sặc sỡ hơn. Mặc dù chúng ta đều biết Kimono là trang phục truyền thống của Nhật Bản nhưng thực ra có rất nhiều loại Kimono với tên gọi và cách sử dụng khác nhau, ví như Furisode: dành cho thiếu nữ còn độc thân, ống tay áo rộng và dài, màu sắc tươi tắn với nhiều hoa văn trang trí trên vải lụa tốt; Tomesode: là loại y phục trang trọng dành cho phụ nữ đã có gia đình, đặc trưng bởi ống tay áo ngắn, màu chủ đạo truyền thống ở thân áo là màu đen; Yukata: loại kimono thông thường, mặc trong mùa hè, thường làm bằng vải cotton với tay áo ngắn. Ngoài ra còn thường được mặc trong các quán trọ truyền thống của Nhật Bản; hay Shiromuku: lễ phục trắng cô dâu mặc trong đám cưới với phần đuôi áo khá dài và toả tròn ra.

(ảnh nguồn internet)

4. Võ sĩ Sumo

Sumo là một môn võ nổi tiếng của Nhật Bản, dưới hình thức thi đấu trực tiếp giữa hai đối thủ, người thi đấu sẽ cố gắng đẩy đối thủ của mình ra khỏi vòng tròn thi đấu hoặc ép đối thủ chạm đất bằng bất cứ bộ phận nào. Đây là một môn võ được dào tạo bài bản ở Nhật Bản, có cả các giải đấu chuyên nghiệp được tổ chức hàng năm. Những võ sĩ Sumo có chỗ đứng nhất định trong xã hội, được phân chia theo thứ bậc từ hạng không chuyên đến võ sĩ chuyên nghiệp hạng nhất (Yokozuna). Điểm đặc trưng của các võ sĩ Sumo mà ai nấy đều ấn tượng sâu đậm đó chính là thân hình to lớn có phần đồ sộ của họ. Tiêu chuẩn về hình thể của một võ sĩ Sumo, chiều cao tối thiểu là 1,73m, cân nặng trung bình là từ 100kg. Có lẽ do tính chất của các cuộc đấu nên việc có một hình thể to lớn sẽ có ưu thế hơn trước mặt các đối thủ. Và trong thi đấu cũng không chia hạng cân như các một võ có tính đối kháng khác nên việc một võ sĩ 100kg thi đấu với một võ sĩ 200kg là chuyện bình thường. Một điều thú vị là thu nhập của võ sĩ Sumo rất cao. Nếu đã qua quá trình học hỏi và tham gia thi đấu phân hạng thì tối thiểu thu nhập của một võ sĩ hạng thấp nhất sẽ rơi vào khoảng 9,500 USD/ tháng. Qúa bất ngờ phải không?

 (ảnh nguồn internet)

5. Sushi

Nhắc đến ẩm thực Nhật Bản không ai không biết đến món sushi, một món ăn xuất hiện trên khắp các bàn ăn của người Nhật, từ những nhà hàng bình dân đến các nhà hàng đẳng cấp trên toàn thế giới. Sushi bao gồm cơm trắng trộn với giấm, kết hợp với hải sản cắt lát tươi sống, có thể kèm theo dong biển cho thêm đậm đà hương vị. Các loại hải sản thường thấy là cá ngừ, cá hồi, cá chình, cá nóc, cá thu, tôm, mực...Món ăn sẽ được phụ vụ kèm nước tương Nhật Bản và một chút washibi để tránh vị tanh của cá. 

(ảnh nguồn internet)

6. Manga và anime

Truyện tranh và phim hoạt hình chuyển thể từ truyện tranh là một "đặc sản" tinh thần của văn hóa Nhật Bản. Hầu hết các bạn nhỏ của Việt Nam hay bất kỳ một "9x" nào hẳn không thể quên những cuốn truyện tranh nổi tiếng "Doraemon", "Thám tử lừng danh Conan", "One Piece". Lượng truyện tranh của Nhật Bản chiếm tới 50% số lượng truyện tranh của thế giới. Những tác phẩm anime của Nhật Bản thậm chí còn đạt giải cao trong các kỳ liên hoan phim quốc tế. Đây là một điều đáng nể, đáng học hỏi. Những nhân vật truyện tranh huyền thoại có tuổi đời còn lớn hơn cả độc giả nhưng vẫn gắn liền với bao thể hệ. Bạn thử tự mình điểm lại những tác phẩm kinh điển mà mình đã đọc xem.

(ảnh nguồn internet)

7. Geisha

Đất nước Nhật Bản có rất nhiều văn hóa lâu đời được gìn giữ và bảo tồn tới tận ngày nay, thậm chí còn được tất cả người dân Nhật Bản coi trọng, một trong số đó là Geisha. Geisha gọi theo ngôn ngữ Kansai là Geiko hoặc Geiki nghĩa là nghệ sĩ, đây là những cô gái được đào tạo khả năng múa, hát, chơi nhạc cụ truyền thống, đặc biệt là cách nói chuyện và dẫn dắt câu chuyện trong các buổi tiệc của giới thượng lưu. Họ rất ít xuất hiện ngoài phố và không bao giờ sử dụng các phương tiện công cộng. Ngày xưa Geisha thường là những cô gái của các gia đình có gia cảnh cực kỳ khó khăn nên gia đình sẽ bán vào các viện để học nghệ, ngày nay Geisha rất hiếm, họ được đào tạo ở trường Geisha hết sức nghiêm túc. 

(ảnh nguồn internet)

8. Bonsai 

Bonsai Nhật Bản là một khái niệm dùng để chỉ việc trồng cây cảnh trong chậu của người Nhật. Bonsai (Bồn Tài) là một từ có nguồn gốc từ Trung Quốc và đã được du nhập vào Nhật. Sau khi du nhập vào Nhật Bản, nghệ thuật này đã phát triển hết sức rực rỡ, mang màu sắc Thiền đạo. Mỗi tác phẩm lại ẩn chứa một câu chuyện, một ý nghĩa, thông điệp muốn truyền tải. Nghệ thuật Bonsai thể hiện tinh thần ý chí không từ bỏ của người Nhật bởi để có một tác phẩm Bonsai đẹp không phải một sớm một chiều mà cả một quá trình nhiều năm, chính vì vậy giá trị của Bonsai cũng không hề thấp.

(ảnh nguồn internet)

9. Cá chép Koi

Cá Koi là một loại cá chép được người dân Nhật Bản thuần hóa và nuôi làm cảnh. Điểm đặc biệt nhất của loại cá này chính là màu sắc tuyệt vời của chúng, nên những người nuôi cá đã nghiên cứu, lai tạo ra thêm rất nhiều màu sắc hơn. Cá chép Koi dễ dàng bắt gặp ở đất nước Nhật Bản, gần đây còn có clip khá nổi tiếng về cá Koi được nuôi ở kênh thoát nước của Nhật Bản, điều này càng làm tăng thêm phần thú vị của đất nước này. Cá Koi được ưa chuộng ở khắp nơi trên thế giới, giá của chúng cũng vô cùng đắt đỏ. Có những con giá lên tới vài chục ngàn đô. Cá Koi thường sống theo bầy đàn nên mỗi lần mua người ta thường mua rất nhiều con. Hơn nữa để tăng thêm phần đặc sắc thì các bể nuôi cá Koi thường được thiết kế vô cùng đẹp mắt, kết hợp với tạo hình cây cỏ. Chính vì vậy gia đình nào có một ao cá Koi nho nhỏ thì chắc chắn là không tầm thường chút nào. 

(ảnh nguồn internet)

10. Lễ nghi giao tiếp

Như đã giới thiệu ở trên, người Nhật rất coi trọng những giá trị truyền thống và cố gắng lưu giữ. Những lê nghi phong tục của họ đều được thực hiện rất nghiêm túc, một đứa trẻ ngay từ khi bắt đầu có nhận thức, chúng đã bắt đầu được bố mẹ, thầy cô giáo dục về đạo đức trước khi học văn hóa. Hẳn ai cũng biết đến văn hóa chào hỏi rất quy củ của người Nhật, lần đầu gặp nhau thường sẽ chào cúi đầu 90⁰, khi quên biết sẽ chào cúi đầu 45⁰ hoặc 30⁰, việc cúi đầu càng thấp càng thể hiện sự tôn trọng với đối phương. Khi đến nhà làm khách, cần đi dép được chủ nhà chuẩn bị sẵn, không tùy tiện đi thăm các phòng khi chưa được sự đồng ý của chủ nhà. Khi tặng quà, số lượng sẽ nên là số lẻm tránh số 4 và số 9. Khi ăn cơm hạn chế nói chuyện, ăn sushsi sẽ gắp cả miếng, không cắn nhỏ, khi dùng xong cơm bát phải được đặt đúng vị trí ban đầu như lúc chuẩn bị. Luôn luôn nói lời cảm ơn. Khi đi xe đạp hạn chế không bấm chuông, không bao giờ bỏ rác bừa bãi ngoài đường... Thực ra còn rất nhiều kễ nghi khác trong những dịp đặc biệt. Việc thực hiện đúng và nghiêm túc các lễ nghi này là một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. 

(ảnh nguồn internet)

Bạn đang xem: Những biểu tượng đặc trưng của đất nước Nhật Bản
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Giỏ hàng

Youtube Mochibeanbag Zalo Mochibeanbag Messenger Mochibeanbag Shopee Mochibeanbag Lazada Mochibeanbag