Những ngày tháng Tám này luôn là những ngày đặc biệt, tiết trời vừa hay đang chuyển sang thu, thời tiết không còn oi nóng như những ngày tháng Bảy, không khí trở lên dịu mát hơn, nắng vàng ươm nhưng không còn quá gay gắt. Tháng Tám đối với mỗi người dân Việt Nam còn đặc biệt hơn cả bởi không khí rộn ràng của Cách Mạng Tháng Tám năm 1945, và tiến tới ngày Quốc Khánh mồng 2 tháng 9. Trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, ngày Quốc Khánh chính là ngày đặc biệt nhất, ngày khai sinh ra đất nước Việt Nam, đánh dấu sự sụp đổ của chế độ phong kiến, sự chiến thắng của quân Việt Minh trước thực dân Pháp, hòa cùng chiến thắng của quân Đồng Minh, kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2.
Hãy cùng chúng mình tìm hiểu ý nghĩa lịch sử to lớn của ngày Quốc Khánh nhé.
(ảnh nguồn internet)
Ngày mồng 2 tháng 9 hàng năm là ngày quốc lễ quan trọng của Việt Nam, kỷ niệm ngày chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam. Toàn thể người dân Việt Nam sẽ được nghỉ một ngày, nếu ngày lễ trùng vào thứ bảy hoặc chủ nhật sẽ được nghỉ bù thêm một ngày. Vào ngày này, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ tổ chức meeting kỷ niệm, viếng lăng chủ tịch Hồ Chí Minh để bày tỏ lòng thành kính biết ơn công lao to lớn của Người trong công cuộc giả phóng dân tộc.
Quay lại bối cảnh năm 1945, lúc bấy giờ Cách Mạng Tháng Tám thành công, Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, ở tại căn nhà số Tám Hàng Ngang, nơi đây Bác đã dành toàn bộ thời gian để viết bản Tuyên Ngôn Độc Lập. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập đươc cho la đã ra đời trong khoảng 28, 29 tháng Tám.
Về việc chọn ngày đọc Tuyên Ngôn Độc Lập, Bác Hồ chọn ngày 2 tháng 9, trùng ngày phát xít Nhật ký thỏa thuận đầu hàng quân Đồng Minh. Ngày 28 tháng 8 Bác Hồ bắt đầu viết Tuyên Ngôn Độc Lập, Bác đặt yêu cầu với các phụ tá phải tổ chức lễ đọc Tuyên Ngôn không thể chậm hơn bốn ngày bởi lúc này quân Tưởng Giới Thạch đã bắt đầu đổ bộ vào Việt Nam. Theo Giám mục Lê Đắc Trọng, ông Vũ Đình Tụng là bác sĩ riêng của Bác Hồ đã đề xuất ngày 2 tháng 9, Bác Hồ hỏi vì sao thì ông Tụng trả lời đó là ngày Chủ nhật mọi người không phải đi làm, đồng thời ngày 2 tháng 9 cũng là ngày Chúa nhật kính các đấng tử đạo Việt Nam, là lễ trọng nên giáo dân đều đi dự lễ; thời đó chỉ có phía Công giáo mới có các đoàn thể với áo quần đồng phục, đội ngũ chỉnh tề nên dễ vận động đồng bào Công giáo tham gia meeting sau khi tan lễ.
Diễn biến trong ngày 2 tháng 9, ông Nguyễn Hữu Đang đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ lâm thời, chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn độc lập, các thành viên Chính phủ tuyên thệ, ông Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng Bộ Nội vụ giãi bày tình hình trong nước và nhiệm vụ của Chính phủ, ông Trần Huy Liệu tường trình vào Huế nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại, ông Nguyễn Lương Bằng đại biểu của Tổng bộ Việt Minh thuật qua lại cuộc tranh đấu của Việt Minh để mưu giải phóng cho dân tộc...(theo tường thuật của báo Cứu Quốc).
Trong buổi lễ này, thông qua bản Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh cũng đã kêu gọi các nước Đồng minh ủng hộ nền độc lập chân chính do nhân dân Việt Nam vừa tự tay giành được thông qua Cách mạng tháng Tám. Bác tuyên bố rằng Chính phủ lâm thời đã huỷ bỏ hết mọi hiệp ước do Pháp kí trong quan hệ với Việt Nam và bãi bỏ hết mọi đặc quyền của người Pháp. Bác cũng cảnh báo rằng người Việt “kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp”. Kết thúc bài phát biểu của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu từng bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời với quần chúng nhân dân và tất cả đều làm lễ tuyên thệ nhậm chức.
Khi đó do điều kiện kỹ thuật còn hạn chế nên việc phát thanh trực tiếp buổi lễ đọc Tuyên Ngôn Độc Lập có vấn đề, trong Sài Gòn không tiếp sóng trực tiếp được bài phát biểu từ Hà Nội vào. Lúc đó người dân đã tập trung ở đại lộ Cộng Hòa để dự lễ meeting, việc không tiếp sóng trực tiếp được đã làm dấy lên nghi vấn có sự phá hoại nào đó ở đây. Để trấn an quần chúng, ban tổ chức buổi lễ đề nghị ông Trần Văn Giàu phát biểu. Ông Trần Văn Giàu suy nghĩ vài phút, ghi vội lên giấy mấy ý chính, rồi bước lên lễ đài, ứng khẩu một bài diễn văn.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, từ những đau thương mất mát, đến những bước chuyển mình thần kỳ về kinh tế, ngày 2 tháng 9 luôn là một ngày quan trọng, từ những công dân bé sinh ra trong thiên niên kỷ mới, không có chiến tranh nhưng họ vẫn luôn được ông bà cha mẹ giáo dục về ý nghĩa của ngày lễ này.
(bài viết có tham khảo Wikipedia)